Nhảy Nhảy Nhảy
Phan_2
Và ít lâu sau, không chỉ còn là công việc PR nữa. Tôi được đề nghị làm vài việc lặt vặt cho các tạp chí định kỳ. Vì một số lý do, hầu hết đều là tạp chí dành cho phụ nữ. Tôi bắt đầu đi phỏng vấn, viết vài bài phóng sự nho nhỏ. Nhưng thực ra công việc này cũng chẳng khá hơn là mấy so với các bản tin PR. Do tính chất của những tạp chí này, phần lớn đối tượng phỏng vấn của tôi đều thuộc giới giải trí. Dẫu có hỏi gì đi nữa thì họ cũng chỉ đáp lại bằng những câu trả lời cũ rích. Thật dễ đoán được họ sẽ trả lời thế nào trước cả khi đặt ra câu hỏi. Trường hợp tệ nhất là, người quản lý cứ nằng nặc đòi xem trước các câu hỏi. Vì thế lần nào tôi cũng đến với mọi thứ đã được viết sẵn. Có lần tôi hỏi một cô ca sĩ mười bảy tuổi điều gì đó không có trong danh sách câu hỏi, người quản lý của cô ta liền hét toáng lên: “Đó không phải những gì chúng ta đã thỏa thuận - cô ấy không phải trả lời câu này.” Thật đúng là trò hề. Tôi tự hỏi nếu viên quản lý không ở bên cạnh thì liệu cô gái đó có trả lời nổi sau tháng Mười là tháng mấy không nữa. Dù vậy, tôi đã làm hết sức mình. Trước mỗi cuộc phỏng vấn, tôi đều chuẩn bị trước, khảo sát đủ mọi nguồn, cố gắng đặt những câu hỏi mà người khác không nghĩ tới. Tôi mất khá nhiều công sức thiết kế bài viết. Dẫu những cố gắng ấy không được hưởng sự công nhận đặc biệt nào. Họ chưa bao giờ khen tôi lấy một lời. Tôi cố hết sức chỉ bởi với tôi đó là cách đơn giản nhất. Tự rèn luyện bản thân. Tăng cường trao cho ngón tay và cái đầu bỏ đi của mình một công việc thực tế - và nếu được, thì là vô hại.
Trở về với xã hội.
Sau đó, ngày tháng của tôi bận rộn hơn bao giờ hết. Tôi không chỉ phải cáng gấp hai, gấp ba khối lượng công việc so với thường lệ mà còn cả đống việc gấp. Những việc không ai thèm nhận chắc chắn tìm được đường đến chỗ tôi. Vai trò của tôi trong guồng quay này cũng giống như bãi phế thải ở ria thành phố. Bất cứ thứ gì, đặc biệt nếu phức tạp hoặc khó khăn, đều được tống sang cho tôi.
Coi như là để bù lại, tài khoản tiết kiệm của tôi phình lên đến con số cao chưa từng thấy, tuy nhiên tôi quá bận nên chẳng có thời giao mà tiêu xài. Vì thế khi một người quen đề nghị một vụ thỏa thuận khá hời, tôi thải luôn chiếc xe cũ chẳng-làm-gì-ngoài-việc-gây-đau-đầu đi và mua chiếc Subaru Leone đã dùng được một năm của anh ta. Nó hầu như chưa đi được bao dặm, có cả radio và điều hòa. Chiếc xe thực sự đầu tiên của tôi. Và tôi chuyển tới một căn hộ tại Shibuya, gần trung tâm thành phố hơn. Chỗ này hơi ồn một chút - đường cao tốc chạy ngay ngoài cửa sổ - nhưng tôi cũng quen dần.
Tôi đã ngủ với vài người đàn bà quen biết qua công việc.
Trở về với xã hội.
Tôi ý thức được người đàn bà nào mình cần phải ngủ cùng. Những người nào tôi có thể hoặc không thể ngủ cùng. Thậm chí cả những người mà tôi không nên ngủ cùng. Đó là thứ khả năng có được theo tuổi tác. Tôi cũng biết khi nào thì nên kết thúc mối quan hệ, tất cả đều rất dễ chịu và thoải mái, nên chẳng ai bị tổn thương. Thứ duy nhất còn thiếu là rung động thực sự của trái tim.
Mối quan hệ sâu sắc nhất tôi từng dính vào là với một phụ nữ làm việc cho một công ty điện thoại. Tôi gặp cô tại bữa tiệc mừng năm mới. Cả hai khi ấy đều đã chếnh choáng, chúng tôi trêu chọc nhau, thấy thích nhau và cuối cùng tôi đưa cô về nhà mình. Cô có khuôn mặt đẹp và đôi chân tuyệt vời. Chúng tôi còn đi chơi trên chiếc Subaru tôi mới tậu. Cứ khi nào có hứng, cô gọi điện và đến ở qua đêm, cô là mối quan hệ duy nhất có vẻ gắn bó. Tuy nhiên, cả hai đều biết chuyện sẽ chẳng đi đến đâu. Dù thế, chúng tôi vẫn lặng lẽ chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi biết đến những tháng ngày thanh bình. Chúng tôi âu yếm nhau, thầm thì với nhau. Tôi nấu ăn cho cô, tặng cô quà sinh nhật. Chúng tôi đến các câu lạc bộ nhạc jazz và uống cocktail. Chúng tôi không bao giờ cãi cọ, dù chỉ một lần. Tôi và cô biết chính xác những gì mình cần ở người kia. Nhưng dù vậy, mối quan hệ vẫn kết thúc Một ngày kia nó dừng lại, đơn giản như cuộn phim bị trượt khỏi trục quay.
Sự ra đi của cô để lại trong tôi nhiều khoảng trống hơn tôi tưởng. Trong một thời gian, tôi lại ở lì trong nhà.
Vấn đề nằm ở chỗ tôi đã không muốn cô, không, thực sự muốn. Tôi từng thích cô, thích được ở bên cô. Cô đã cho tôi có lại cảm xúc dịu dàng. Nhưng vấn đề thực sự là tôi chưa bao giờ cảm thấy cần cô. Chưa đến ba ngày sau khi cô bước ra khỏi cuộc đời tôi, tôi đã nhận ra điều đó. Rốt cuộc thì, suốt thời gian tôi ở bên cô, có lẽ tôi cũng đang ở trên mặt trăng. Ngay cả khi cảm thấy bộ ngực cô áp sát người mình, tôi cũng đang mong đợi cái gì đó khác.
Mất bốn năm cuộc sống của tôi mới ổn định trở lại. Tôi cẩn thận giải quyết nhanh gọn từng phần việc mình nhận và mọi người dần cảm thấy họ có thể trông cậy vào tôi. Thậm chí một số người, dù rất ít, đã trở nên thân thiện. Dù vậy, chẳng cần nói cũng thấy điều đó vẫn chưa đủ. Hoàn toàn không đủ. Tôi đã dành bao nhiêu thời gian để cố gắng tăng tốc, giờ đây tôi lại quay về nơi mình bắt đầu.
Được lắm, tôi nghĩ, ba mươi tư tuổi, quay về điểm xuất phát. Giờ thì mày làm gì?
Tôi không phải nghĩ ngợi nhiều. Tôi biết trước rồi. Câu trả lời lơ lửng trên đầu tôi như một đám mây u ám, nặng nề. Tất cả những gì tôi phải làm là hành động, thay vì cứ lần lữa mãi. Tôi phải tới khách sạn Cá Heo. Đó là nơi mọi thứ bắt đầu.
Tôi cũng phải tìm nàng. Người phụ nữ ấy, người đầu tiên dẫn tôi tới khách sạn Cá Heo, nàng, cô gái gọi cao cấp trong thế giới ngầm về đêm của chính nàng. (Trong vài tình huống bất ngờ, ít lâu sau đó tôi đã biết tên người phụ nữ vô danh này, nhưng để tiện theo dõi, dù có vẻ hơi bất hợp lý, tôi sẽ cho các bạn biết ngay bây giờ. Xin hãy thứ lỗi cho tôi. Nàng tên là Kiki). Đúng vậy, Kiki giữ chìa khóa của mọi vấn đề. Tôi phải gọi nàng trở về. Về với cuộc sống cùng tôi mà nàng đã từ bỏ và không bao giờ quay đầu lại. Liệu điều ấy có thể xảy ra? Ai mà biết được, nhưng tôi phải thử. Từ giờ, một vòng tuần hoàn mới sẽ bắt đầu.
Tôi thu dọn đồ đạc, gấp rút hoàn thành nốt đống việc còn dang dở, hủy bỏ tất cả những việc đã lên lịch cho tháng tới. Tôi nói mình sẽ rời Tokyo để giải quyết chuyện gia đình. Cũng có vài biên tập viên càu nhàu, nhưng họ làm được gì chứ? Trước đó tôi chưa từng khiến họ thất vọng, ngoài ra tôi đã báo trước ý định nghỉ một thời gian để họ tiện thu xếp. Cuối cùng, mọi việc đều ổn. Tôi sẽ trở lại sau một tháng, tôi nói với họ vậy.
Rồi tôi đáp chuyến bay tới Hokkaido. Lúc đó là đầu tháng Ba năm 1983.
Dĩ nhiên, công việc gia đình chẳng thể xong xuôi sau một tháng.
4
Tôi đặt một chiếc taxi trong hai ngày và cùng tay phóng viên ảnh đội tuyết chạy khắp Hakodate để xem xét các quán ăn trong thành phố.
Tôi rất giỏi điều tra, tôi làm việc này rất có hệ thống và hiệu quả. Điều quan trọng nhất đối với loại công việc này là phải chuẩn bị trước và lập kế hoạch chi tiết. Mấu chốt là ở đó. Nếu cần thu thập tài liệu trước khi bắt tay vào việc, ta sẽ không thể thắng nổi các tổ chức chuyên tập hợp thông tin cho người trong ngành. Chỉ cần đăng ký làm thành viên và đóng hội phí; họ sẽ kiếm cho ta gần như tất cả mọi thứ. Vì vậy, nếu ta đang tình cờ điều tra về các quán ăn ở Hakodate, họ có thể đào lên cho bạn cả tá. Họ sử dụng siêu máy tính cỡ lớn, sắp xếp dữ liệu vào file, in ra giấy và thậm chí còn giao tận nhà. Tất nhiên chẳng rẻ chút nào nhưng nó hoàn toàn xứng đáng với khoản thời gian ta tiết kiệm được.
Ngoài ra, tôi cũng tự mình đi kiếm thông tin. Có những phòng đọc sách chuyên cung cấp tài liệu du lịch, những thư viện sưu tập báo chí và các ấn phẩm địa phương. Từ tất cả các nguồn này, tôi chọn ra những địa điểm khả quan rồi gọi điện cho họ để xem họ làm việc giờ nào. Làm như vậy, tôi sẽ tránh được rất nhiều rắc rối khi đi thực tế. Sau đó, tôi kẻ ô trong sổ ghi chép và vạch kế hoạch cho từng ngày một. Tôi xem bản đồ và đánh dấu lộ trình dự kiến. Cố gắng giảm các nhân tố không chắc chắn xuống mức tối thiểu.
Khi đến Hakodate, tay phóng viên ảnh và tôi đi một vòng khắp các nhà hàng đó theo thứ tự. Có khoảng ba mươi địa điểm. Chúng tôi ăn một ít - vừa đủ để nếm được hương vị - còn thì bỏ thừa phần lớn thức ăn. Nâng cao chất lượng tiêu dùng. Vì vẫn đang ở giai đoạn điều tra bí mật, nên chúng tôi không chụp ảnh. Chỉ khi đã rời khỏi nhà hàng, tay phóng viên ảnh và tôi mới thảo luận về các món ăn và đánh giá chúng theo thang điểm từ không đến mười. Nếu được cho qua, nhà hàng sẽ ở lại trong danh sách, nếu không, nó sẽ bị loại. Chúng tôi dự định gạch bỏ ít nhất là một nửa. Sử dụng chiến lược song song, chúng tôi cũng đọc thêm cả báo chí địa phương, lập danh sách những địa điểm trước đó đã bỏ sót, chọn thêm chừng năm quán nữa. Chúng tôi cũng đến những nơi này và gạch tên các quán không-tốt-lắm. Rồi chúng tôi có danh sách cuối cùng. Tôi gọi điện, giới thiệu tên tờ tạp chí, bảo họ rằng chúng tôi muốn làm chuyên đề về họ, bài viết kèm theo ảnh. Tất cả chỉ mất có hai ngày. Buổi tối, tôi ở lại trong khách sạn, vạch ra các ý chính cho bài viết.
Ngày hôm sau, trong khi tay phóng viên ảnh chụp hình các món ăn và cách bày biện bàn ăn, tôi nói chuyện với chủ nhà hàng. Tiết kiệm thời gian. Và như vậy, chúng tôi gói gọn chuyến đi này trong vòng ba ngày. Đương nhiên, trong số đồng nghiệp của tôi cũng có những người có thể làm nhanh hơn. Nhưng họ chẳng điều tra gì cả. Họ đến vài nhà hàng nổi tiếng hơn cả, ngó nghiêng qua quýt mà chẳng buồn ăn thứ gì rồi viết những lời bình sơ sài. Nhưng đấy là việc của họ, không phải của tôi. Nói thẳng, tôi không cho rằng có nhiều người chịu bỏ công bỏ sức như tôi cho những bài phóng sự kiểu này. Đó là loại công việc khiến người ta kiệt sức nếu quá coi trọng nó, nhưng ta cũng có thể chỉ cần ngồi không chẳng làm gì cả. Nhưng tệ nhất là dù có sốt sắng hay lười nhác, sản phẩm cuối cùng gần như không hề cho thấy sự khác biệt. Bề ngoài thì sàn sàn như nhau. Chỉ ở những mức tinh tế hơn mới thấy được dấu ấn của sự khác biệt.
Tôi không giải thích chuyện này ra để tự tâng bốc hay vì bất cứ lý do nào khác.
Tôi chỉ muốn các bạn có được cái nhìn tổng quan về công việc của tôi, hiểu thêm về tính chất của những gì tôi phải bỏ ra.
Đến đêm thứ ba, tôi đã viết xong bản thảo.
Ngày thứ tư tôi để trống, phòng trường hợp có gì đột xuất.
Nhưng vì công việc đã hoàn tất, và chẳng còn gì khác phải bận tâm. chúng tôi thuê một chiếc xe và thoải mái dành cả ngày trượt tuyết khắp vùng. Tối đó, hai chúng tôi nghỉ chân uống rượu bên nồi lẩu nóng. Coi như có một ngày nghỉ ngơi trọn vẹn. Tôi giao bản thảo cho tay phóng viên ảnh. Và thế là xong. Nhiệm vụ của tôi đã hoàn tất, công việc giờ chuyển sang tay người khác.
Nhưng tối đó, trước khi lên đường, tôi gọi cho dịch vụ tổng đài ở Sapporo hỏi số điện thoại của khách sạn Cá Heo. Tôi không phải chờ lâu. Tôi ngồi dậy trên giường và thở phào nhẹ nhõm. Ít ra là khách sạn Cá Heo vẫn chưa sập tiệm. Thật nhẹ nhõm, tôi nghĩ vậy. Bởi cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu một cái khách sạn bí hiểm như thế bị sập tiệm. Tôi hít một hơi thật sâu rồi quay số - người ta nhấc máy ngay tiếng chuông đầu tiên. Như thể họ chỉ chầu chực chờ điện thoại kêu vậy. Thực sự là tôi quá ngỡ ngàng.
“Xin chào, khách sạn Cá Heo nghe!” một giọng vui vẻ cất lên.
Đó là một phụ nữ trẻ. Một phụ nữ ư? Chuyện gì vậy? Tôi không nhớ là ở đó có một phụ nữ.
Tôi không tính đến điều này, bèn hỏi xem có đúng địa chỉ đó không. Chính xác, đó chính là địa chỉ khách sạn Cá Heo mà tôi biết. Có lẽ khách sạn đã tuyển thêm nhân viên mới, cháu gái của ông chủ chẳng hạn. Chẳng có lạ cả. Tôi nói với cô gái là mình muốn đặt phòng.
“Rất cảm ơn ông,” cô nhỏ nhẹ đáp. “Xin ông, chờ cho một chút, tôi sẽ chuyển máy cho ông sang bộ phận đặt phòng.
Bộ phận đặt phòng? Giờ thì tôi thực sự bối rối. Tôi không sao tiêu hóa nổi thông tin này. Chuyện quái gì đã xảy ra với cái khách sạn cũ nát đó vậy?
“Xin lỗi đã để quý khách phải đợi lâu. Đây là bộ phận đặt phòng. Tôi có thể giúp gì cho quý khách?” Lần này là giọng một thanh niên. Âm sắc lanh lợi và thân thiện đúng kiểu nhân viên khách sạn chuyên nghiệp. Tôi càng thấy tò mò hơn.
Tôi đặt một phòng đơn trong ba ngày. Tôi nói tên và cho anh ta số điện thoại của mình ở Tokyo.
“Vâng, thưa ông. Ba đêm, từ ngày mai, phòng đơn của ông sẽ sẵn sàng.”
Tôi chẳng nghĩ ra được gì để nói tiếp, bèn cám ơn anh ta và cúp máy, không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra nữa. Liệu tôi có nên yêu cầu giải thích không? Thôi không sao, mọi chuyện sẽ rõ ràng khi tôi đến đó. Hơn nữa, tôi cũng không thể không đi. Tôi không còn lựa chọn nào khác cả.
Tôi nhờ người phục vụ khách sạn kiểm tra lại lịch trình các chuyến tàu đến Sapporo. Sau đó, tôi gọi dịch vụ buồng yêu cầu mang lên một chai whiskey cùng ít đá, và thức xem một bộ phim chiếu muộn trên ti vi. Một phim cao bồi miền Tây của Clint Eastwood. Suốt cuốn phim, Clint không cười lấy một tiếng, không cả nhếch mép. Tôi đã cố để cười, nhưng anh ta cứ đăm đăm mãi cái bộ mặt cứng đờ ấy. Bộ phim kết thúc và tôi cũng đã nốc kha khá whiskey, tôi liền tắt đèn và ngủ một mạch đến sáng. Nếu có mơ thì tôi cũng chẳng nhớ gì nữa.
Tuyết là tất cả những gì tôi thấy bên ngoài cửa sổ chuyến tàu tốc hành buổi sớm. Bầu trời trong trẻo quang đãng, bởi vậy nên ánh nắng dần trở nên gay gắt. Tôi không thấy hành khách nào nhìn ra ngoài cửa sổ. Tuyết rơi chẳng có gì đáng để họ nhìn.
Vì bỏ mất bữa sáng nên chưa đến 12 giờ tôi đã phải mò đến toa ăn. Tôi chọn bia và trứng ốp la. Cạnh chỗ tôi ngồi có một người đàn ông khoảng năm mươi, ông ta mặc vest đen thắt cà vạt, đang uống bia với bánh mì kẹp thịt nguội. Trông ông ta giống một kỹ sư cơ khí, và hóa ra lại đúng là như vậy. Ông ta bắt chuyện với tôi trước, kể rằng mình làm nhiệm vụ bảo trì máy bay phản lực cho Lực lượng Phòng vệ. Sau đó ông ta giảng giải cho tôi làm thế nào máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Xô viết xâm phạm được vào không phận Nhật Bản, dù vậy ông ta chẳng có vẻ gì là phiền lòng về chuyện đó. Ông ta quan tâm hơn đến hiệu quả kinh tế của loại máy bay Phantom F4. Chúng ngốn không biết bao nhiêu là nhiên liệu mỗi lần xuất kích khẩn cấp, thật lãng phí khủng khiếp. “Nếu người Nhật chế tạo ra chúng, tôi cá là sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn. Và tính năng thì không hề kém cạnh! Chẳng có lý gì chúng ta lại không chế tạo được máy bay chiến đấu giá rẻ nếu muốn.”
Đó là lúc tôi đưa ra triết lý của mình, rằng sự lãng phí là mỹ đức lớn nhất mà một người trong xã hội tư bản bậc cao có thể đạt được. Việc Nhật Bản mua máy bay Phantom của Mỹ và tiêu tốn một lượng lớn nhiên liệu trong những lần xuất kích khẩn cấp góp phần làm cho nền kinh tế thế giới vận hành nhanh hơn, và chính sự vận hành đó đã nâng chủ nghĩa tư bản lên giai đoạn phát triển cao hơn. Nếu ngăn chặn mọi sự lãng phí lại, khủng hoảng kinh tế quy mô lớn chắc chắn sẽ xảy ra, và cuối cùng nền kinh tế toàn cầu sẽ sụp đổ. Sự lãng phí chính là nhiên liệu cho mâu thuẫn, và mâu thuẫn sẽ hoạt hóa nền kinh tế, và một nền kinh tế hoạt động sôi nổi sẽ càng sinh ra nhiều lãng phí hơn.
Ồ, có lẽ vậy, ông kỹ sư gật gù, nhưng một người lớn lên trong chiến tranh và từng phải sống thiếu thốn như ông không thể hiểu nổi kết cấu xã hội hiện hay. “Thế hệ chúng tôi không giống những người trẻ các cậu,” ông nói, gượng cười. “Chúng tôi không thể hiểu những vấn đề phức tạp của các cậu”.
Thực ra cũng không thể nói là tôi hiểu rõ được những thứ ấy, nhưng tôi chẳng có hứng để tiếp tục cuộc trò chuyện này, nên tôi im lặng. Không, tôi không hiểu được những thứ ấy, chỉ là tôi nhận thức được chúng là cái gì. Có sự khác biệt cơ bản giữa hai mệnh đề đó. Tôi nghĩ việc tốt hơn cả mình có thể làm lúc này là ăn nốt món trứng và đứng dậy.
Tôi ngủ khoảng ba mươi phút, sau đó trong suốt hành trình còn lại tôi đọc cuốn tiểu sử Jack London mua ở gần ga Hakodate. So với cuộc đời sôi nổi và lãng mạn của Jack London, sự tồn tại của tôi chỉ giống như một con sóc nhỏ gục đầu vào quả óc chó, gà gật ngủ mong đến mùa xuân. Cho đến thời điểm hiện tại, nó là như vậy. Nhưng những cuốn tiểu sử thường phải thế. Ý tôi là, ai thèm đọc về cuộc đời tẻ nhạt của một kẻ vô danh làm việc ở thư viện thành phố Kawashaki chứ? Nói cách khác, những gì chúng ta đang tìm kiếm là một kiểu bù đắp cho những gì bản thân phải chịu đựng.
Đến Sapporo, tôi quyết định thả bộ đến khách sạn. Đó là một buổi chiều dễ chịu, rồi chỉ mang theo một chiếc túi khoác ngang vai.
Đường phố bị phủ kín một lớp tuyết mỏng lép nhép bùn, mọi người qua lại đều phải mở to mắt, cẩn thận nhón chân. Không khí rất vui vẻ. Những cô nữ sinh trung học vừa đi vừa trò chuyện ríu rít, má ửng hồng, miệng phả ra làn hơi trắng mỏng tưởng như có thể viết lên đó những đoạn đối thoại trong truyện tranh. Tôi tiếp tục tản bộ, nhìn ngắm thành phố. Đã bốn năm rưỡi trôi qua kể từ lần cuối tôi tới Sapporo. Vậy mà tưởng như còn lâu hơn thế nhiều.
Dọc đường tôi dừng lại ở một quán cà phê. Mọi sự xung quanh tôi không có gì lạ, những chuyện thường ngày ở một thành phố đang diễn ra hết sức bình thường, những việc thường nhật. Những đôi tình nhìn trò chuyện thì thầm, mấy tay doanh nhân dán mắt vào bảng thống kê, đám sinh viên thì đang lập kế hoạch cho chuyến trượt tuyết sắp tới và bàn tán về album mới của nhóm Police. Quang cảnh quen thuộc này dễ thấy ở bất cứ thành phố nào của Nhật Bản. Sẽ chẳng có gì là lạc điệu nếu chuyển dịch cảnh tượng đang diễn ra tại quán cà phê này đến Yokohama hay Fukuoka. Dù như vậy - hoặc đúng hơn là chính vì vậy - mà tôi ở đây, ngồi trong cái quán này uống cà phê mà vẫn cảm thấy cô đơn ghê gớm. Tôi chỉ là một người ngoài. Tôi không thuộc về nơi này.
Tất nhiên, cùng một lý lẽ như thế, tôi cũng không thể nói rằng mình thực sự thuộc về Tokyo và các quán cà phê ở đó. Nhưng ở đó tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn nhường này. Ở đó tôi nhâm nhi cà phê, đọc sách, trải qua một ngày mà chẳng cần suy nghĩ gì đặc biệt, chỉ bởi vì tôi là một phần của cảnh trí quen thuộc ở đó. Còn ở đây, tôi chẳng có mối liên hệ với ai cả. Và thực tế là tôi đến đây để tìm lại chính mình.
Tôi trả tiền rồi ra khỏi quán. Sau đó, không nghĩ ngợi, tôi đi một mạch đến khách sạn.
Tôi không nhớ đường lắm và cũng hơi lo là mình sẽ đi lạc. Tôi không bị lạc. Ai lại lạc đường được cơ chứ? Khách sạn Cá Heo giờ đây đã biến thành một bản giao hưởng rực rỡ của thép và kính gồm hai mươi sáu tầng được dựng theo lối kiến trúc hiện đại của trường phái Bauhaus[1], cờ các nước tung bay dọc lối đi dành cho xe hơi, những nhân viên trực cửa mặc đồng phục gọn gàng đang ra hiệu cho taxi, một chiếc thang máy bằng kính chạy thẳng lên nhà hàng trên tầng áp mái. Một bức phù điêu cá heo được khắc lên một trong mấy cột đá cẩm thạch ngay trước cửa ra vào, bên dưới còn khắc dòng chữ:
L’Hôtel Dauphin
Tôi đứng ngây ra ở đó phải đến hai mươi giây, miệng há hốc, mắt nhìn trân trân. Rồi tôi thở hắt ra một hơi rất dài, dài đến mức tưởng như vươn thẳng được tới tận cung trăng. Ngạc nhiên không phải là từ chính xác để miêu tả cảm xúc của tôi lúc này.
5
Tôi không thể cứ đứng ngây ra trước cửa khách sạn mãi thế này. Tòa nhà này có là cái gì đi nữa, địa chỉ vẫn đúng, quan trọng hơn cả, vẫn là cái tên ấy. Mà dù sao, tôi cũng đã đặt phòng rồi. Chẳng còn cách nào khác ngoài việc thẳng tiến vào trong đó.
Tôi men theo con đường dốc thoai thoải dành cho xe hơi, đi qua cái cửa xoay bằng đồng sáng choang. Đại sảnh rộng như một nhà thi đấu thể thao, trần cao ít nhất bằng một tòa nhà hai tầng. Một bức tường bằng kính lắp khít tới tận trần, ánh nắng lấp lánh đổ tràn qua đó. Trên sàn kê một dãy ghế sofa thiết kế sang trọng, ở giữa điểm xuyết những chậu cây cảnh xinh xắn. Bao nhiêu là chậu. Thiết kế chủ đạo tập trung vào một bức tranh sơn dầu - to bằng ba cái chiếu tatami - vẽ cảnh một khu đầm lầy ở Hokkaido. Trông chẳng nghệ thuật cho lắm, nhưng khá ấn tượng, ít nhất là bởi kích cỡ của nó. Cuối sảnh là một quầy bar sang trọng. Kiểu quầy bar mà nếu gọi sandwich, người ta sẽ mang ra bốn miếng sandwich thịt xông khói xinh xắn như những tấm danh thiếp đặt ngay ngắn trên một khay bạc, kèm theo đó là những lát khoai tây nhỏ cộng với dưa chuột bao tử để trang trí. Gọi thêm một tách cà phê nhỏ nữa là tiêu hết số tiền đủ cho bữa trưa tằn tiện của một gia đình bốn người.
Đại sảnh khá đông người. Hình như có họp mặt gì đó. Một nhóm các ông trung niên ăn mặc chỉnh tề ngồi trên những chiếc sofa đối diện nhau, cười nói và gật gù ra vẻ rất hào hiệp. Quai hàm vênh lên, chân bắt chéo, người nào cũng như người nào. Một nhóm chuyên gia? Là bác sĩ hay giáo sư đại học? Vây quanh họ - có lẽ cũng thuộc nhóm này - là những phụ nữ trẻ ăn vận sang trọng, một số mặc kimono, số khác mặc váy dài liền thân. Có cả vài người Tây nữa, không thể không nhắc đến những công chức mặc vest đen, thắt cà vạt, tay ôm khư khư cặp tài liệu.
Nói tóm lại, khách sạn Cá Heo mới làm ăn rất phát đạt.
Thứ chúng ta có ở đây là một khách sạn được xây dựng với vốn đầu tư thích đáng và hiện đang thu lợi nhuận đúng với những gì đã được bỏ ra. Nhưng làm thế quái nào mà chuyện này xảy ra được nhỉ? Dễ thôi, tôi có thể đoán được. Đã từng làm tập san quảng cáo cho một chuỗi khách sạn nên tôi hiểu rõ toàn bộ quá trình này. Trước khi một khách sạn có quy mô chừng này được xây dựng, người ta phải dự toán các khoản đầu tư thật chi tiết, sau đó các chuyên gia cố vấn tập trung lại và nhập tất cả thông tin vào máy tính để tính toán và mô phỏng kỹ lưỡng. Người ta tính đến mọi thứ, bao gồm cả giá bán buôn và khối lượng sử dụng giấy toilet hàng tháng. Tiếp theo đó, người ta thuê sinh viên đi khắp thành phố - trong trường hợp này là thành phố Sapporo - để khảo sát thị trường. Các sinh viên sẽ hỏi những người trẻ tuổi trên phố xem họ phải tham dự chừng bao nhiêu lễ cưới một năm. Vậy là ta có được cái nhìn toàn cảnh. Chẳng điều gì bị bỏ sót. Tất cả đều nằm trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.
Như vậy, những người thực hiện dự án Hôtel Dauphin đã phải vất vả một thời gian dài mới soạn ra được bản kế hoạch chính xác hết mức có thể. Họ thu mua đất đai, tuyển nhân viên, đặt các bảng quảng cáo rực rỡ. Nếu như vấn đề chỉ là tiền - và họ tin chắc rằng sớm muộn gì mình cũng thu lại nó - thì tiền sẽ được đổ vào không giới hạn. Đây chính là cái gọi là làm ăn lớn.
Hiện nay, chỉ có các tập đoàn kinh tế khổng lồ mới dám đầu tư làm ăn lớn như vậy. Bởi vì ngay cả khi đã gạt bỏ các rủi ro, vẫn có yếu tố bấp bênh ẩn nấp đâu đó, và chỉ các đại gia mới đủ tự tin để chấp nhận chúng.
Thật lòng mà nói, khách sạn Cá Heo mới không phải loại khách sạn hợp với tôi.
Hay ít nhất là, bình thường ra, nếu phải chọn một nơi để nghỉ lại. Tôi cũng sẽ không đến nơi nào giống như cái khách sạn này. Giá tiền quá cao; quá nhiều trang trí rườm rà. Nhưng lần này thì không thay đổi quyết định được nữa.
Tôi bước tới bàn tiếp tân và báo tên, ba cô gái trẻ mặc gi lê xanh nhạt nở nụ cười như quảng cáo kem đánh răng đó chào đón tôi. Việc đào tạo kiểu cười này rõ ràng cũng được tính toán đến trong hạng mục đầu tư. Với chiếc áo sơ mi trắng như tuyết và kiểu tóc không chê vào đâu được, họ hoàn hảo như trong tranh vậy. Trong ba cô gái, có một cô đeo kính, tất nhiên là trông rất hợp. Khi cô tới đứng trước mặt tôi, thực sự tôi thấy nhẹ cả người. Cô là người xinh đẹp và dễ mến nhất trong ba người. Nét mặt cô có gì đó khiến tôi thoáng động lòng, như biểu tượng của một nàng tiên khách sạn. Tôi gần như trông đợi cô lấy ra một chiếc đũa thần nhỏ xinh, như trong phim của Disney, và vẩy ra những vòng xoáy bụi kim cương lấp lánh.
Nhưng thay vì cây đũa thần, cô dùng máy tính, nhanh nhẹn nhập tên và số thẻ tín dụng của tôi, rồi kiểm tra lại thông tin trên màn hình. Sau đó cô đưa tôi thẻ khóa phòng, số 1523. Tôi nhoẻn cười khi cô đưa tôi tập sách quảng cáo của khách sạn. Khách sạn này mở cửa từ khi nào vậy? Tôi hỏi. Từ tháng Mười năm ngoái, cô trả lời, gần như là theo phản xạ. Khách sạn đã hoạt động được đến tháng thứ năm rồi.
“Cô biết đấy,” tôi bắt đầu, nở một nụ cười chuyên nghiệp kiểu của tôi. “Tôi nhớ là vài năm trước ở đây có một khách sạn nhỏ tên cũng giống như thế này. Cô có biết giờ nó ra sao không?”
Chút bối rối thoáng che mờ nụ cười của cô gái. Những gợn sóng lặng lẽ khẽ lướt qua gương mặt cô, tựa như một chai bia bị người ta đổ xuống dòng suối thiêng. Khi những đợt sóng ấy biến mất, nụ cười trở lại trên gương mặt cô đã không còn tươi tỉnh như lúc đầu. Tôi quan sát những thay đổi ấy với sự hứng thú lạ kỳ. Liệu nàng tiên của dòng suối này có hiện lên và hỏi tôi xem thứ tôi vừa thả rơi xuống có cái nắp chai bằng vàng hay bằng bạc?
“À, vâng,” cô ậm ừ, đưa ngón trỏ lên chạm khẽ vào gọng kính: “Đó là chuyện trước khi khách sạn chúng tôi khai trương, nên tôi thực sự không thể...”
Cô ngừng lại. Tôi chờ cô nói tiếp, nhưng cô không nói.
“Ồ,” tôi nói. Từng giây trôi qua. Tôi nhận ra mình càng có thiện cảm với cô hơn. Tôi cũng muốn chạm vào gọng kính của mình. Tiếc một nỗi là tôi lại không đeo kính. “Được rồi, vậy cô có thể hỏi ai đó không?”
Cô nín thở trong một giây để suy nghĩ. Nụ cười biến mất. Thật khó để có thể vừa nín thở vừa cười. Nếu không tin tôi, cứ thử làm mà xem.
“Tôi rất xin lỗi,” cô lại nói, “anh có thể chờ chút không?” Sau đó cô rút lui qua một cánh cửa. Khoảng ba mươi giây sau, cô trở lại cùng một người đàn ông trạc tứ tuần mặc com lê đen. Nhìn bề ngoài cũng biết ngay là dân quản lý khách sạn chuyên nghiệp. Tôi đã gặp đủ những người như vậy trong công việc rồi. Bọn họ là một loài không đáng tin cậy, có đến hai lăm kiểu cười sẵn sàng cho mọi tình huống khác nhau. Từ nụ cười lạnh lùng lễ độ khi khó chịu cho đến nụ cười thỏa mãn được kiềm chế ở mức vừa phải. Họ vận dụng toàn bộ kho vũ khí này theo số hiệu, giống như chọn gậy đánh golf vậy.
“Tôi có thể giúp gì cho quý khách?” anh ta nói, nở một nụ cười cấp trung bình với một cái gật đầu lịch sự. Khi nhìn thấy cách ăn mặc của tôi, nụ cười ấy nhanh chóng giảm xuống ba bậc. Tôi đang mặc áo jacket đi săn lót lông có huy hiệu Keith Haring đính trên ngực, đội mũ lông Alps Corps của quân đội Áo, mặc quần đi bộ loại xoàng nhằng nhịt túi, chân xỏ ủng đi tuyết. Tất cả đều còn tốt và rất tiện dụng, chỉ hơi không phù hợp với gian đại sảnh khách sạn này một chút. Đó không phải lỗi tại tôi, chỉ là một sự khác biệt trong cách sống mà thôi.
“Phải chăng quý khách đang có thắc mắc về khách sạn chúng tôi?” anh ta hỏi hết sức nhã nhặn.
Tôi đặt cả hai tay lên mặt quầy và nhắc lại câu hỏi của mình.
Người đàn ông liếc qua chiếc đồng hồ chuột Mickey của tôi với ánh mắt lạnh lùng đầy bực bội của một tay bác sĩ thú y khi nhìn thấy chiếc móng gẫy của một con mèo.
“Cho phép tôi hỏi,” anh ta đã lấy lại được điềm tĩnh, nói: “nếu quý khách không thấy phiền, tôi xin hỏi tại sao quý khách lại quan tâm đến khách sạn trước đây được không?”
Tôi giải thích theo cách đơn giản nhất có thể. Cách đây khá lâu tôi từng nghỉ tại khách sạn Cá Heo cũ và quen biết người chủ lúc đó, và giờ đây, nhiều năm sau, tôi ghé qua thì mọi chứ đã hoàn toàn thay đổi. Điều tôi băn khoăn là chuyện gì đã xảy ra với người chủ cũ?
Tay quản lý gật đầu chăm chú, “Thực lòng mà nói, bản thân tôi cũng không rõ chi tiết mọi chuyện,” anh ta chọn từ rất thận trọng. “Tuy nhiên, theo những gì tôi biết về khách sạn này thì hãng chúng tôi đã mua lại mảnh đất nơi khách sạn Cá Heo cũ tọa lạc và dựng lên trên đó tòa nhà trước mắt chúng ta đây. Như quý khách thấy, tên khách sạn vẫn được giữ nguyên, nhưng tôi đảm bảo rằng ban điều hành là hoàn toàn khác, không có liên quan gì đến người cũ cả.”
“Vậy tại sao lại giữ tên cũ?”
“Xin bỏ quá cho, tôi sợ rằng tôi thực sự không...”
“Và có lẽ anh cũng không hiểu liệu tôi có thể tìm người chủ cũ ở đâu đúng không?”
“Tôi xin lỗi, nhưng không, đúng là tôi không biết,” anh ta trả lời, chuyển sang nụ cười số 16.
“Tôi có thể hỏi ai khác được không? Một ai đó có thể biết chuyện này?”
“Quý khách hỏi kỹ như vậy,” người đàn ông vặn vẹo cái cần cổ thật nhẹ nhàng, “nhưng chúng tôi chỉ là nhân viên ở đây, vì vậy chúng tôi hoàn toàn không biết những gì xảy ra trước khi khách sạn hiện nay đi vào hoạt động. Vậy nên, thật không may, nếu có ai đó giống như quý khách muốn biết điều gì cụ thể hơn, thì thực sự rất ít...”
Rõ ràng là anh ta nói rất có lý, tuy nhiên có gì đó làm tôi vẫn cảm thấy vướng mắc. Có gì đó giả tạo và không tự nhiên trong câu trả lời của cô gái trẻ và thằng cha cứng nhắc đang tiếp nhận câu hỏi của tôi. Tôi không thể chỉ ra đó chính xác là cái gì, nhưng cũng không thể tin tưởng hoàn toàn được. Cứ phỏng vấn thật nhiều người, ta sẽ có được thứ giác quan thứ sáu chuyên nghiệp này. Giọng nói khi người ta che giấu điều gì đó, nét mặt của kẻ đang nói dối. Chẳng có bằng chứng nào rõ ràng. Chỉ là linh cảm, rằng còn có nhiều hơn đằng sau những gì đã được nói ra kia.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian